Hội chứng hậu Covid-19 : Đặc điểm triệu chứng và biện pháp điều trị


Đại dịch SARS-COV-2 (Covid-19) vẫn đang còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt số người nhiễm biến chủng Omicron đang ngày càng lan rộng ở Châu Mỹ và các nước Châu Âu. Cho đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 350 triệu người bị nhiễm Covid-19 và gần 6 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế đã có hơn 2,1 triệu người bị Covid-19 và gần 1,9 triệu người đã được khỏi bệnh. Theo kết quả nghiên cứu của các nước trên thế giới, khoảng hơn 22% người bị nhiễm Covid-19 sẽ có các triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi bị nhiễm bệnh. Do vậy, việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 là một vấn đề cấp thiết và cần phải được quan tâm đúng mức.

Định nghĩa bệnh nhân có triệu chứng Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 

Theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhân bị Covid-19 có triệu chứng kéo dài hoặc hậu Covid-19 của các nước Anh, Mỹ và Châu Âu, người bị nhiễm Covid-19 nếu có các triệu chứng kéo dài trong vòng 4 – 12 tuần thì được gọi là “bệnh nhân Covid kéo dài” và sau 12 tuần thì được gọi là “bệnh nhân hậu Covid”. Do vậy người bị nhiễm Covid-19 mà các triệu chứng vẫn còn xuất hiện sau 4 tuần cần phải được thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên ngành để được theo dõi và hướng dẫn điều trị thich hợp.

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19

Triệu chứng thường gặp của bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 rất đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh, tùy thuộc vào triệu chứng lúc bị nhiễm Covid-19 ở giai đoạn cấp tính (dưới 4 tuần), mức độ nặng của bệnh ban đầu, mức độ tổn thương của các cơ quan trong giai đoạn cấp tính, chế độ điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp người bị nhiễm Covid-19 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng mới ở giai đoạn Covid-19 kéo dài (từ 4-12 tuần) hoặc hậu Covid (sau 12 tuần). Theo các công bố y học gần đây, có hơn 50 triệu chứng khác nhau ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Các triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn về sự tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), thở nhanh (21%), ho khan (19%), đau khớp (19%), đổ mồ hôi đêm (17%), đau tức ngực (16%), buồn nôn (16%), giảm trí nhớ (16%), ù tai hoặc giảm thính lực (15%). Bên cạnh đó, khoảng 5% -15% bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 còn có các triệu chứng khác như lo lắng(13%), trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, sốt nhẹ, rối loạn giấc ngủ (11%), ngủ ngáy ngưng thở khi ngủ (8%), tổn thương da (dạng mề đay, sẩn đỏ, phát ban), nhịp tim nhanh (11%), hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tâm thần kinh, đỏ mắt, xơ hóa phổi (5%). Một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 có những triệu chứng ít gặp hơn (dưới 5%) như là : tiểu đường (4%), chóng mặt, đột quỵ (3%), phù chân, nói khó, thay đổi tính khí, tăng huyết áp (1%), viêm cơ tim (1%), rối loạn nhịp tim, suy thận (1%), rối loạn cận giấc ngủ (0,4%)…

Do các triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 rất đa dạng với những tổn thương ở nhiều hệ thống cơ quan khác nhau, việc chẩn đoán và điều trị tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều chuyên khoa. Do vậy người bệnh cần phải được theo dõi và chăm sóc ở tại các cơ sở y tế chuyên biệt hậu Covid-19 và nơi có các cán bộ y tế đã được đào tạo liên tục về chuyên môn trong lĩnh vực hậu Covid-19.

Đặc điểm một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19

Mệt mỏi 

Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Một số bệnh nhân bị Covid-19 vần còn tình trạng mệt mỏi kéo dài trong vòng 6 tháng đến một năm sau khi bị Covid-19. Tình trạng mệt mỏi hậu Covid kéo dài làm người bệnh có cảm giác như bị kiệt sức, thiếu năng lượng, mất động lực trong công việc và trong cuộc sống, giảm khả năng tập trung. Đặc biệt, tình trạng mệt mỏi hậu Covid vẫn có thể không liên quan đến mức độ nặng của giai đoạn bị Covid-19 cấp tính. Ở một số bệnh nhân Covid-19, mệt mỏi kéo dài có thể là triệu chính của giai đoạn hậu Covid-19.

Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi kéo dài ở bệnh nhân hậu Covid-19 được cho là hậu quả của phản ứng viêm do Covid-19, do tổn thương viêm hay giảm chuyển hóa cục bộ ở một số vùng trên não bộ đáp ứng với viêm toàn thân ở bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra mệt mỏi kéo dài hậu Covid-19 còn do bởi tổn thương trực tiếp của hệ thống thần kinh cơ của cơ thể người bệnh, làm cho sức cơ yếu đi và làm nặng thêm tình trạng mệt mỏi kéo dài. Bên cạnh đó, một số rối loạntâm thần kinh ở bệnh nhân hậu Covid-19 cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi của người bệnh. Do vậy khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài ở giai đoạn hậu Covid-19, người bệnh cần được khám, chẩn đoán và có hướng dẫn điều trị thích hợp bởi thầy thuốc.

Đau đầu 

Triệu chứng đau đầu thường được than phiền ở bệnh nhân hậu Covid-19. Đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử đau đầu trước đó như là đau đầu migrain (đau nữa đầu), đau đầu vận mạch thì cơn đau trở nên thường xuyên hơn và cường độ nặng hơn. Ở những bệnh nhân đau đầu mới xảy ra sau khi bị Covid-19 thì được xem như là một trong những biểu hiện tổn thương thần kinh do Covid-19. Đặc điểm của đau đầu ở bệnh nhân hậu Covid là có thể kéo dài 3 – 6 tháng, cảm giác nặng hay thắt chặt trong đầu, đau âm ỉ hoặc có lúc buốt nặng khi tập trung, lo lắng, xúc cảm hoặc đôi khi kèm với cảm giác mất tập trung, giảm cảm nhận và khó diễn đạt hay biểu cảm; tình trạng này được gọi là “não mù sương” (brain fog).

Nguyên nhân của tình trạng đau đầu hậu Covid-19 được cho là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh do Covid-19 hoặc do bởi những nguyên nhân gián tiếp do bởi giảm oxy máu, tăng đông máu hoặc do hiện tượng viêm cục bộ tại não hay toàn thân do bão cytokine. Dù rằng đau đầu hậu Covid-19 không liên quan đến dự hậu và tiến triển về lâu dài của người bệnh, nhưng bệnh nhân Covid kéo dài và hậu Covid cần phải được thăm khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi để cải thiện tình trạng sức khỏe về lâu dài.

Khó thở 

Khó thở cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân hậu Covid-19. Khó thở thường là do có liên quan trực tiếp tổn thương phổi ở giai đoạn nhiễm Covid-19 cấp tính gây giảm khả năng khuyếch tán oxy từ phổi vào máu, do giảm thể tích phổi hậu Covid, do tổn thương đường dẫn khí trong giai đoạn cấp tính chưa hồi phục ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Tuy nhiên một số bệnh nhân Covid-19 vẫn có tình trạng khó thở giai đoạn hậu Covid-19 dù lúc này người bệnh không có những tổn thương kéo dài hoặc tiến triển ở phổi. Đây thường là những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân bị suy hô hấp tiến triển hoặc phải nhập viện điều trị dài ngày do Covid-19 giai đoạn cấp tính, bệnh nhân Covid-19 có bệnh phổi mãn tính đi kèm (hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thuốc lá, di chứng lao phổi). Ở một số bệnh nhân hậu Covid-19, khó thở còn do bởi tình trạng xơ hóa phổi do tổn thương viêm do bão cytokine ở phổi giai đoạn cấp tính. Ngoài ra cần phải lưu ý đến dấu hiệu khó thở ở bệnh nhân hậu Covid còn là do hậu quả của tình trạng huyết khối thuyên tắc mạch máu phổi ở giai đoạn nhiễm Covid-19 cấp tính và thậm chí là ở cả giai đoạn Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Đặc biệt tình trạng khó thở diễn tiến ngày một nặng hơn ở giai đoạn hậu Covid-19 là dấu hiệu báo động người bệnh cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mất mùi và mất vị 

Mất mùi và mất vị thường hay được than phiền bởi bệnh nhân Covid-19 giai đoạn hậu Covid.Mất mùi và mất vị ở bệnh nhân Covid-19 kéo dài hoặc hậu Covid-19 thường gặp ở những bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng này trong giai đoạn cấp tính. Đa số tình tạng mất mùi – mất vị ở bệnh nhân Covid-19 giai đoạn cấp tính thường hồi phục tự nhiên sau 2 – 4 tuần; tuy nhiên khoảng 10% – 20% trường hợp người bệnh vẫn còn bị mất mùi, mất vị kéo dài sau 3 – 6 tháng hoặc cả năm. Trong khảo sát trên 550 người bị Covid-19 tại các khu điều trị Covid-19 tại Bình Dương (GS. Dương Quý Sỹ và cộng sự) cho thấy tỷ lệ bị mất mùi – mất vị giai đoạn cấp tính chiếm tỷ lệ là 25,8%; trong đó có 9,8% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mất mùi, mất vị ở giai đọan Covid kéo dài. Do vậy, mất mùi và mất vị giai đoạn hậu Covid là triệu chứng gây lo lắng cho người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống nên cần phải được thăm khám chuyên khoa.

Nguyên nhân của tình trạng mất mùi, mất vị ở bệnh nhân Covid-19 và hậu Covid-19 được cho là do tổn thương viêm gây ra do Covid-19 ảnh hưởng đấn các tế bào thần kinh khứu giác ở mũi, hành khứu và các dây thần kinh dẫn truyền vị giác, các nụ vị giác ở lưỡi, làm cho người bệnh không cảm nhận được mùi vị thức ăn và mùi hương.

Hình minh họa cơ chế mất mùi ở bệnh nhân bị Covid-19.

Một số biện pháp cải thiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu, khó thở và mất mùi – mất vị ở bệnh nhân hậu Covid-19

Bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài giai đoạn hậu Covid cần phải được tư vấn điều trị chuyên khoa để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh tật và được hướng dẫn trị liệu về nhận thức và hành vi, phối hợp với liệu pháp vận động phù hợp. Đặc biệt người bệnh cần phải được hướng dẫn để tự duy trì được chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp tránh tình trạng hoạt động quá mức gây kiệt sức và mệt mỏi quá mức. Người bệnh cần phải duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất khoáng, vitamin và năng lượng; cùng với một thời gian ngủ bảo đảm theo sinh lý và một giấc ngủ có chất lượng tốt. Một số bệnh nhân hậu Covid-19 bị mệt mỏi kéo dài có sự cải thiện khi bổ sung hàng ngày thêm vitamin C và vitamin B3.

Bệnh nhân bị đau đầu ở giai đoạn Covid-19 cần nên được khám và tư vấn chuyên khoa. Việc điều trị đau đầu hậu Covid-19 thường được phối hợp nhiều phương thức khác nhau như là tâm lý liệu pháp nếu đau đầu có yếu tố tâm thần kinh, duy trì một chế độ vận động – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, thường xuyên thư giản chống stress (tập yoga, thiền định hay chánh niệm). Những trường hợp người bệnh hậu Covid bị đau đầu kèm giảm chức năng nhận thức, kém tập trung và có hiện tượng “não mù sương” thì nên dùng thêm các loại củ quả chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có thành phần flavonoid (luteolin) như cần tay, bông cải xanh, ca rốt, tía tô, dầu ôliu, trà hoa cúc.

Ở những bệnh nhân Covid có tình trạng khó thở giai đoạn hậu Covid-19 nên được thăm khám chuyên khoa hô hấp để được làm các xét nghiệm về thăm dò chức năng hô hấp và hình ảnh học. Dựa trên những tổn thương ở phổi và tình trạng chức năng hô hấp, thầy thuốc có thể chỉ định điều trị tập phục hồi chức năng hô hấp, tập thở. Phương pháp thở theo trường phái yoga có tên gọi là pranayama được các thầy thuốc phương Tây cho là có hiệu quả trong làm giảm tình trạng khó thở ở bệnh nhân hậu Covid-19.

Mất mùi và mất vị kéo dài ở giai đoạn hậu Covid-19 cần phải được thăm khám bởi các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Một số bệnh nhân Covid kéo dài và hậu Covid có sự cải thiện mất mùi – mất vị sau khi dùng corticoid hoặc vitamine A xịt mũi (dùng cho bệnh nhân mất mùi) và bổ sung thêm uống vitamin C và omega-3 thường xuyên (dùng cho bệnh nhân bị cả mất mùi và mất vị). Đặc biệt nếu người bệnh bị mất mùi thì cần phải hướng dẫn cho người bệnh thực hiện trị liệu bằng cách hít các hương liệu để phục hồi khứu giác với hương chanh, hương hoa hồng, hương bạc hà và bạch đàn, ít nhất ba lần mỗi ngày (mỗi lần khoảng 15-20 giây) cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Trong thời gian qua, Ngành y tế Việt Nam đã thành công trong việc khống chế làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 giúp làm giảm tỷ lệ người dân bị mắc Covid-19 thấp hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên với gần hai triệu người bị Covid-19 đã khỏi bệnh hiện nay,thì một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 20%) những bệnh nhân Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19 vẫn tiếp tục cần được sự tư vấn hỗ trợ và chăm sóc y tế. Do vậy, việc cập nhật các kiến thức về hậu Covid-19 nhằm năng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế và nhận thức cho người bệnh là rất cần thiết, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe  và cải thiện chất lượng cuộc sống.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ. Đại học Y khoa Penn State – Mỹ

Nguồn: https://congdanvaphapluat.net.vn/hoi-chung-hau-covid-19-dac-diem-trieu-chung-va-bien-phap-dieu-tri/