Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch không chỉ là trách nhiệm


(CD&PL) – Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã tạm lắng xuống, đất nước trở về thời kỳ bình thường mới với những niềm vui, sự hân hoan xen lẫn những dư âm của sự mất mát về con người và cả những tổn hại về sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Đây cũng là giai đoạn thử thách nhất và cũng là những trải nghiệm nghề nghiệp đẹp đẽ nhất còn lắng đọng mãi trong tâm trí của mỗi người cán bộ y tế đã, đang và mãi sẽ không ngừng nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân nặng và nguy kịch.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ và BSCK1. Huỳnh Trương Anh Đức trao tặng máy đo SpO2 và máy tạo oxy cho bệnh nhân.

Chiều hôm ấy cũng như những buổi chiều cuối thu hôm nào của Bình Dương vào tháng 10, nhưng có lẽ sẽ là rất đặc biệt đối với cô gái trẻ tuổi là bệnh nhân Covid-19 nặng được xuất viện về lại mái nhà thân yêu bên cạnh người thân. Có thể không một lời nào lột tả được hết được những niềm vui và sự xúc động của người con gái bé nhỏ mang trong mình một chứng bệnh tim bẩm sinh rất nặng lại còn bị nhiễm Covid-19 nặng có thể được xuất viện tại khoa hồi sức tích cực khu điều trị Covid-19 Phú Chánh – Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. Số phận nghiệt ngã của người con gái nghèo vùng quê mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ không có điều kiện khám và điều trị để giờ đây bệnh tim đã diễn tiến sang giai đoạn nặng với triệu chứng của suy tim, tăng áp lực động mạch phổi nặng, thiếu oxy khi nghỉ ngơi và nặng hơn khi gắng sức cùng với phì đại và tím tái các đầu ngón tay.

Bệnh nhân lớn tuổi nhất (92 tuổi) của khoa hồi sức tích cực qua cơn nguy kịch (thở máy HFNC hơn 2 tuần) vừa được xuất viện về lại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa – Bình Dương

Những trường hợp có bệnh nền tim mạch rất nguy hiểm cho người bị Covid-19 nặng vì tổn thương tim rất thường xảy ra ở bệnh nhân Covid-19 và một số trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim; trường hợp em bệnh nhân này lại có suy tim mãn tính, thiếu oxy nên khi bị Covid-19 nặng thì bệnh lại càng nặng hơn. Tuy nhiên trong quá trình điều trị, êkíp điều trị khoa hồi sức tích cực khu điều trị Phú Chánh đã không can thiệp thở máy xâm nhập như thường lệ để cải thiện tình trạng giảm oxy máu nặng (độ bão hòa oxy SpO2 lúc nằm nghỉ có oxy chỉ là 78%) mà chỉ cho thở không xâm nhập và duy trì bằng oxy gọng mũi nâng nồng độ oxy máu ở mức tốt nhất bảo đảm cho hoạt động hô hấp, tim mạch và sự oxy hóa máu của người bệnh.

Điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân bị bệnh nặng do Covid-19 và tim bẩm sinh dù rằng rất hồn nhiên và lạc quan, chỉ hy vọng được xuât viện sớm để trở về nhà tiếp tục công việc mưu sinh, thế nhưng tình trạnh bệnh nhân bị thiếu oxy mãn tính do bệnh tim bẩm sinh và thêm di chứng hô hấp của bệnh Covid-19 cần phải thở oxy về lâu dài tại nhà. Đặc biệt tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bệnh nhân rất nặng nguy cơ tử vong rất cao khi thiếu oxy và khi bệnh diễn tiến về lâu dài. Một giải pháp đã được tôi nghĩ đến và hiện thực hóa với sự hỗ trợ của PGS. TS Trần Văn Hưởng – người đồng nghiệp giỏi chuyên môn – người học trò ưu tú trong nghiên cứu y học rất thân thiết đang sống và làm việc tại Bình Dương: chiều hôm bệnh nhân xuất viện trở về nhà, tôi đã cùng với BSCK1 Huỳnh Trương Anh Đức – người học trò và đồng nghiệp trẻ gắn bó với tôi trong suốt thời gian làm việc tại khoa hồi sức tích cực Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh – BVĐK Bình Dương đã trao tặng cho bệnh nhân một máy tạo oxy với lưu lượng tối đa có thể sử dụng tại nhà lên đến 9 lít. Niềm vui và sự xúc động dâng trào trong tâm hồn người bệnh và trong tấm lòng của các thầy thuốc khi bệnh nhân có thể an tâm xuất viện với món quà đầy ý nghĩa và cần thiết để duy trì tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.

GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ trao tặng máy tạo oxy cho Đại diện Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa – Bình Dương, nơi đang chăm sóc cho cụ ông 92 tuổi là bệnh nhân Covid-19  

Chữa bệnh cứu người đã và mãi luôn là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả nhất của người thầy thuốc và cũng là truyền thống cao đẹp của ngành y tế nước nhà. Sự quan tâm, lo lắng và thấu cảm với người bệnh, đặc biệt người bị bệnh Covid-19, đã là động lực và niềm tin giúp cho người bệnh có thể vượt qua cơn nguy kịch trở về đoàn tụ với gia đình; đây cũng là niềm vui và hạnh phúc của mỗi người cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Nguồn tin: https://congdanvaphapluat.net.vn/