Nhà y học – khoa học phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe


Bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ khoa học (TSKH) tại Đại học Paris – EST, Pháp năm 2009 chuyên ngành sinh bệnh học hô hấp, nhưng GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ (sinh năm 1967), Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế (CĐYT) Lâm Đồng khước từ những cơ hội, điều kiện làm việc tốt nhất ở nước ngoài để trở về phục vụ đất nước, địa phương…

Người Việt Nam được quốc tế vinh danh

Hơn một giờ trò chuyện, tôi thực sự khâm phục một nhà khoa học tài danh với những thành công rực rỡ trên lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy; đặc biệt, lý tưởng được cống hiến cho đất nước, quê hương của ông tỏa sáng rất đáng trân trọng, tự hào! GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ tâm sự, việc ông quyết định trở về ngôi trường cũ công tác là sự chọn lựa duy nhất đúng, ông nói: “Đơn giản vì đó là tiếng gọi quê hương. Không có môi trường làm việc nào tuyệt đối lý tưởng mà quan trọng là mình phải biết tạo ra nó…”.

TSKH.BS. Dương Quý Sỹ trong ngày đón nhận danh hiệu Phó giáo sư.

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp bác sĩ (BS) đa khoa Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM, BS. Dương Quý Sỹ tiếp tục theo học hệ BS sơ bộ chuyên ngành nội khoa (1992), năm 1993 về công tác tại Trường CĐ Y tế Lâm Đồng. Với niềm đam mê khoa học và mong muốn tiếp cận nền y học hiện đại thế giới, BS. Sỹ đã tự “mở lối đi riêng” bằng việc du học nước ngoài. Và, những thành công đã đến với vị BS có nhiều khát vọng này: năm 1996 lấy bằng chuyên khoa hô hấp (Trung tâm Bệnh phổi Chevilly Larue, Pháp); từ năm 2001-2002, sang Pháp làm BS nội trú tại Khoa bệnh Hô hấp, Bệnh viện Haut-Lévêque và lấy bằng đào tạo sau ĐH về hô hấp của ĐH Bordeaux; năm 2007 là BS chuyên khoa phổi Bệnh viện Cochin, giảng viên kiêm nhiệm ĐH Y khoa Paris Descarter; lấy bằng sau ĐH về bệnh lý hô hấp, ĐH Paris XII, Pháp…

Đặc biệt, năm 2009, BS. Dương Quý Sỹ đã tốt nghiệp xuất sắc TSKH tại ĐH Paris Est – Pháp, trở thành BS Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp TSKH tại Pháp trong lĩnh vực sinh bệnh học hô hấp và là TSKH của Pháp đầu tiên đang làm việc tại Việt Nam.

Năm 2005, BS. Dương Quý Sỹ giữ chức Phó hiệu trưởng và từ tháng 11/2013 đến nay: Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng Trường CĐYT Lâm Đồng. Dù công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học rất bận; song, mỗi năm BS. Sỹ thường xuyên có 4 đợt sang Pháp và từ 2-3 đợt sang Mỹ để giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành y khoa… Hiện nay ông còn làm Tổng biên tập Tạp chí Hô hấp Pháp ngữ; Tổng biên tập Tạp chí Mạch máu Nội và Ngoại khoa của Mỹ và là thành viên Ban biên tập Tạp chí Hô hấp châu Âu; đại diện Việt Nam tại Hội đồng Hô hấp châu Âu; Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam và Phó ban biên tập Tạp chí Hô hấp Việt Nam…

Hơn 20 năm say mê cống hiến trong lĩnh vực y học, TSKH.BS. Dương Quý Sỹ đã thực hiện hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí y học quốc tế và trên 30 công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam. Trong đó, nhiều công trình được ứng dụng vào thực tiễn như: “Nghiên cứu tần suất mắc bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Lâm Đồng để đề ra các biện pháp can thiệp”, đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam được công bố quốc tế, do Hội phổi Pháp – Việt thực hiện năm 2006-2008; công trình: “Nghiên cứu ứng dụng việc đo ôxít nitrít (NO) trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân hen phế quản nhằm tiết kiệm chi phí điều trị”, được báo cáo tại Hội nghị quốc tế về hô hấp tại Pháp và châu Âu. Công trình được triển khai tại các bệnh viện ở Lâm Đồng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương; Công trình “Nghiên cứu về tần suất mắc bệnh ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở bệnh nhân cao huyết áp tại Lâm Đồng”, được thực hiện trên 186 bệnh nhân; kết quả nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Y học quốc tế…

Đặc cách khen thưởng

Để kịp thời ghi nhận thành tích đóng góp xuất sắc cho nền y học nước nhà và quốc tế, ngày 19/11/2013, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), TSKH.BS. Sỹ được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đặc cách phong hàm Phó giáo sư; ngày 13/11/2014, PGS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ được Chủ tịch nước đặc cách tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng thưởng BS. Dương Quý Sỹ 100 triệu đồng (kinh phí Đề án Nâng cao và phát triển nguồn nhân lực năm 2014 của UBND tỉnh). Đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên không chỉ ở Lâm Đồng mà của Việt Nam, việc một nhà khoa học có nhiều thành tích xuất sắc đã khước từ điều kiện làm việc, thu nhập cao ở nước ngoài để trở về địa phương, đất nước công tác, cống hiến được tặng thưởng xứng đáng

.

GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ tận tụy khám chữa cho người bệnh.

Uy tín và tài danh trong lĩnh vực y học của PGS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ được giới khoa học trong và ngoài nước biết đến. Ông được bầu chọn làm đại diện cho Việt Nam tại Hội đồng Hô hấp châu Âu (nhiệm kỳ 2015-2019); được bầu chọn vào “Top 100 chuyên gia sức khỏe 2015” của Trung tâm Biên sử khoa học quốc tế Cambridge – Anh và được bầu chọn vào danh sách 1.000 người có đóng góp cho Khoa học kỹ thuật thế giới “Marquis Who’s Who 2014-2015”; là trí thức tiêu biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX  năm 2015…

Ngoài nghiên cứu khoa học và giảng dạy, BS. Dương Quý Sỹ còn là thành viên tích cực tham gia nhiều tổ chức xã hội và đều được ghi nhận là tấm gương tận tụy, đam mê nghiên cứu, nhiệt huyết phục vụ đất nước, nhân dân. Ông được nhiều cơ quan, bộ ngành ở Trung ương và địa phương (Tổng hội Y học Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Lâm Đồng…) tặng nhiều bằng khen.

Đặc biệt, ngày 1/2/2016, PGS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ được Trường ĐH Y khoa Penn State (Mỹ) – trường xếp thứ 48/100 trường ĐH hàng đầu thế giới bổ nhiệm Giáo sư về y khoa (giáo sư chính thức). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Trường ĐH Y khoa nước Mỹ bổ nhiệm giáo sư – niềm vinh sự hết sức to lớn đối với người có nhiều cống hiến trên lĩnh vực y học của Việt Nam và thế giới. Và, ngày 22/4/2016, tại Hà Nội, GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tặng Cúp vàng vinh danh 2 danh hiệu: “Trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến; Nhà quản lý theo tiêu chuẩn Đạo đức Toàn cầu vì đã có thành tích cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực chuyên môn và hoạt động xã hội”.

Toàn tâm nâng cao chất lượng đào tạo nhà trường

Đạt đỉnh cao trong sự nghiệp và có điều kiện làm việc ở nước ngoài; song, phục vụ đất nước và địa phương là chí hướng, tâm nguyện của nhà khoa học này. Hiện nay, với cương vị Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng nhà trường và bằng kinh nghiệm, tâm huyết của mình, GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ đã và đang lãnh đạo thực hiện nhiều dự án xây dựng Trường CĐYT Lâm Đồng trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, hướng tới nâng cấp thành trường ĐH Điều dưỡng Kỹ thuật y học giai đoạn 2018-2020.

Trường CĐYT Lâm Đồng hiện có 100 cán bộ, viên chức, trong đó 80 giảng viên (GV); ngoài cơ sở vật chất trường lớp phục vụ dạy và học được cải thiện đáng kể, nâng cao “hàm lượng chất xám” cho đội ngũ cán bộ, GV là khâu đột phá. Ban Giám hiệu nhà trường đã tuyển dụng 1 BS chuyên khoa sau ĐH 7 năm chuyên ngành chỉnh hình tại Pháp về trường công tác; cử 2 nghiên cứu sinh dược và hóa học đi học nâng cao tại TP.HCM và Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt; cử 1 dược sĩ sang Úc; 1 cử nhân điều dưỡng sang Thái Lan học thạc sĩ và hàng chục GV được đào tạo tại chỗ; sắp tới tiếp tục cử 12 GV đi học tại các trường trong và ngoài nước…

Năm 2014, Trường CĐ Y tế Lâm Đồng thành lập “Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học”, do GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ sáng lập và đứng đầu (cả nước hiện chỉ có Trường CĐ Y tế Lâm Đồng thành lập trung tâm này); đầu năm 2016, trường tiếp tục thành lập “Trung tâm Phát triển nguồn lực”. Trường CĐ Y tế Lâm Đồng là 1 trong 28 trường ĐH, CĐ trong cả nước tham gia Dự án HPET của Bộ Y tế về đào tạo theo chuẩn năng lực và hội nhập quốc tế. Trong năm 2016, nhà trường đã triển khai 10 đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó, đề tài “Chiết xuất và bào chế lá húng chanh thành thành phẩm trà và sirô chữa cảm ho, bệnh viêm phế quản” đang được áp dụng mang lại hiệu quả cao…

Tin rằng, với tài năng và tâm huyết của một nhà khoa học chân chính hết lòng, hết sức phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ sẽ còn nhiều đóng góp tích cực cho nền y học đất nước, địa phương trong tương lai…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng