Rối loạn giấc ngủ gây những ảnh hưởng đến sức khoẻ nghề nghiệp thế nào?


Những thông tin trên được GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực – Phó Trưởng tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn giấc ngủ ASEAN đưa ra tại Hội nghị khoa học và triển khai công tác Chỉ đạo tuyến năm 2023 của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế vừa diễn ra ngày 19/5/2023 tại Hà Nội.

PGS. TS. Doãn Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc Hội nghị.

1. Một số nghề nghiệp có thể gây rối loạn giấc ngủ

Theo chuyên gia, rối loạn giấc ngủ (sleep disorders) là bệnh thường gặp trong dân số người trưởng thành, đặc biệt người ở độ tuổi lao động. Các rối loạn giấc ngủ làm cho chất lượng giấc ngủ kém, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nghề nghiệp. Rối loạn giấc ngủ dẫn đến hậu quả là làm giảm hiệu suất làm việc, thường xuyên nghỉ ốm và nguy cơ gây tai nạn lao động.

“Do vậy rối loạn giấc ngủ là một vấn đề sức khỏe liên quan mật thiết đến suy giảm sức khoẻ nghề nghề nghiệp”– trích lời GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ.

Rối loạn giấc ngủ cũng có thể do các yếu tố khác như bệnh lý, học tập, lối sống…”– GS. TSKH.BS Sỹ cho biết

Hầu hết các rối loạn giấc ngủ thường có các dấu hiệu sau: Buồn ngủ nhưng khó có thể đi ngủ; Gặp khó khăn trong việc cố gắng tỉnh táo vào ban ngày; Bị mất cân bằng trong nhịp sinh học thức – ngủ mỗi ngày hoặc có những hành vi bất thường làm gián đoạn giấc ngủ.

 Về nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, GS. Sỹ cho hay, có thể phát sinh từ công việc, trong đó lưu ý đến một số nghề nghiệp gây rối loạn giấc ngủ như: Làm việc theo ca kíp; Làm việc ban đêm; Người điều khiển các phương tiện giao thông đường dài; Làm việc lệch múi giờ với các vùng địa lý khác nhau…. “Rối loạn giấc ngủ cũng có thể do các yếu tố khác như bệnh lý, học tập, lối sống…”– GS. TSKH.BS Sỹ cho biết.

GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực,
Phó Trưởng tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp báo cáo tham luận tại Hội nghị

Các rối loạn giấc ngủ thường gặp liên quan đến sức khoẻ nghề nghiệp bao gồm: Ngủ ít – Thiếu ngủ; Ngủ ngáy – Ngưng thở khi ngủ (OSA); Rối loạn vận động khi ngủ;Ngủ rũ; Mất ngủ; Ngủ nhiều; Rối loạn nhịp sinh học; Rối loạn cận giấc ngủ…

Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2019 cho thấy ở nước ta có 37% người trẻ bị mất ngủ, 73% bị căng thẳng do rối loạn giấc ngủ, 79% người không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày. Số liệu thống kê năm 2017 của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại đây khám và điều trị 13.000 bệnh nhân mất ngủ, trong đó 25% là người từ 17-30 tuổi. Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận thăm khám khoảng 15% bệnh nhân khám mất ngủ. Về nguyên nhân của tình trạng này có thể do bệnh lý, lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều cà phê, thuốc lá, bia rượu và “nghiện” thiết bị điện tử.

Dẫn nghiên cứu về tình trạng rối loạn giấc ngủ, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ cho hay, người mắc chứng Ngủ ngáy – Ngưng thở khi ngủ (OSA) có nguy cơ bị tổn thương liên quan đến công việc cao gấp 1,64 lần so với người không mắc hội chứng này; Người bị buồn ngủ ban ngày quá mức (ESS>= 10) có nguy cơ bị tổn thương liên quan đến công việc cao gấp 1,68 lần so với người có (ESS<= 10).

2. Nâng cao nhận thức về tác động của giấc ngủ kém

Thông tin về hậu quả của rối loạn giấc ngủ trên sức khoẻ nghề nghiệp, Chủ tịch Hội y học giấc ngủ Việt Nam cho biết rối loạn giấc ngủ làm giảm năng suất lao động, suy giảm chất lượng cuộc sống và gây ra những ảnh hưởng, thiệt hại đến kinh tế – xã hội. Do đó, rối loạn giấc ngủ có thể được sử dụng như một chỉ số đánh giá sức khoẻ nghề nghiệp; đồng thời cần cải thiện điều kiện làm việc cho những người ngủ kém, nhằm cải thiện sức khỏe và nâng cao hiệu suất làm việc.

Nhấn mạnh sức khỏe giấc ngủ là yếu tố thiết yếu đối với năng suất lao động và có vai trò quan trọng với sức khỏe nghề nghiệp, chuyên gia cho rằng vấn đề sức khỏe nghề nghiệp phổ biến, cần giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức về tác động của giấc ngủ kém. Cùng đó, mỗi cá nhân sau 1 ngày làm việc cần nghỉ ngơi và phục hồi để có giấc ngủ và hiệu suất làm việc tốt cho ngày hôm sau. “Muốn làm được điều này mỗi cá nhân phải có biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ, quản lý và vệ sinh giấc ngủ tốt”– GS.TSKH. BS Dương Quỹ Sỹ lưu ý.

 Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần có chính sách quốc gia về tăng cường cải thiện sức khoẻ giấc ngủ nhằm cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và tuổi thọ, trong đó có sự vào cuộc của các bộ, ban ngành, tổ chức đoàn thể liên quan; đồng thời cần mở rộng mạng lưới cán bộ y tế làm công tác về Y học giấc ngủ, xây dựng mạng lưới các phòng khám Y học giấc ngủ và phát triển các chi hội, phân hội Y học giấc ngủ.

Các lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Viện, CDC các tỉnh thành khu vực phía Bắc chụp ảnh lưu niệm cùng GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ

Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái,

 Phó Chủ tịch Liên Chi hội Y học cổ truyền – Y học giấc ngủ Việt Nam

XEM FILE CHI TIẾT PDF